NHỮNG NĂM THÁNG DẠY TOÁN KHÔNG QUÊN

về trang chủ

Mời “giáo sư” đi họp

Hè năm 1957, tôi tốt nghiệp ban toán, khoa toán – lý Trường đại học Sư phạm Hà Nội.Sinh viên được nêu nguyện vọng công tác.Tôi có ba nguyện vọng, cả ba đều xin về dạy ở thành phố Nam Định, nơi bố mẹ tôi đang làm việc.Để nguyện vọng như vậy cốt để khẳng định quyết tâm của tôi xin về Nam Định. Viết xong, tôi không có “động tác” gì thêm nữa.

Tôi nằm chờ ở khu sinh viên trong VN học xá, nay thuộc ĐH Bách Khoa. Một hôm đang quần đùi mayô nằm khoèo trên tầng hai chiếc giường tầng đọc truyện, có người tìm gặp và trao giấy mời: “Mời giáo sư ngày 4-8 tới họp hội đồng nhà trường”. Ngạc nhiên và vui mừng quá đỗi. Hóa ra tôi được phân công về Hà Nội từ lâu rồi mà không hề biết gì. Và Sở Giáo dục Hà Nội lại phân công tôi về dạy ở một trường danh tiếng của Hà Nội: Trường Chu Văn An mà trước đây gọi là “ Trường Bưởi”. Lần đầu tiên tôi được gọi là “giáo sư”.Hồi đó, thầy dạy cấp III vẫn còn được gọi là “giáo sư”. Vài tháng sau, không hiểu từ lúc nào, cách gọi “giáo sư” được chuyển thành “giáo viên”, còn người tùy phái, “người loong toong”, của trường được chuyển thành “nhân viên”. Hóa ra tổ chức phân công theo kết quả tốt nghiệp. Lớp tôi lúc đó nhiều người rất giỏi. Thứ tự được ưu tiên phân công tác là các trường đại học, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Đạo… được giữ lại trường.

Điều lên sở xem tay ấy làm thế nào!

Bắt đầu dạy học, hai việc đầu tiên tôi làm là lao vào đọc toán sơ cấp và nghiên cứu thêm về toán học hiện đại.

 May mắn cho thế hệ tôi là lúc đó được học thêm (không phải trả học phí) với các nhà khoa học giỏi nhất VN. Giáo sư Tạ Quang Bửu giới thiệu về logic toán, về ngôn ngữ máy tính. Giáo sư Lê Văn Thiêm giảng về hàm phức, về đại số đồng điều. Thầy Hoàng Tụy giảng về toán hữu hạn, qui hoạch tuyến tính (lúc đầu gọi là vận trù học). Thầy Hoàng Phương giảng về vật lý lượng tử.Tôi học thêm rất nhiều.Thích thì học, cũng chẳng biết học thêm để làm gì.Không ngờ nhiều môn sau này đặc biệt có ích cho tôi, trong đó có logic toán và ngôn ngữ hình thức.

Học thêm nhiều, lập tức “đụng” với những buổi họp hành khá nhiều lúc đó. Tôi đã làm một việc mà ngày nay được coi là vô cùng dại dột: Năm 1961 viết bài “Họp hành nhiều quá” chiếm hơn nửa trang báo Thủ Đô Hà Nội (nay là Hà Nội Mới) để ta thán Sở Giáo dục… Hồi đó phần lớn các bái trên báo là ca ngợi, nên bài báo của tôi gây sốc cho nhiều người. Tuy nhiên, thuở đó, cán bộ lãnh đạo rất tốt nên tôi không bị thành kiến và trù dập. Thậm chí năm 1962 tôi còn được đưa lên Sở Giáo dục phụ trách bộ môn toán cấp III, đồng thời bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi toán cấp III của Hà Nội đi thi toàn miền Bắc. Dù sao đồng chí P.Q.H, phó giám đốc kiêm bí thư Đảng Đoàn Sở Giáo dục, cũng đèo thêm một câu: “Điều tay ấy lên sở xem có ít họp hành đi được không.” Hú vía! Năm ấy tôi mới 26 tuổi.

Nhất tự vi sư

Có những học sinh tôi chỉ dạy một hai giờ, thậm chí không dạy giờ nào nhưng họ vẫn gọi tôi là “thầy” và mãi mãi có quan hệ rất tốt với tôi. Năm 1962, tôi được Bộ Giáo dục giao ra đề thi tốt nghiệp phổ thông về môn toán cho toàn quốc (lúc đó là miền Bắc).Và để cách ly tôi khỏi môi trường Hà Nội (?). Bộ Giáo dục điều tôi lên coi thi ở Trường cấp III thị xã Hòa Bình.Trong giờ thi toán, có một học sinh làm xong bài rất nhanh, nhấp nhổm định mang nộp. Thấy trong bài có một chỗ sai, để em bị điểm không cao thật đáng tiếc, tôi đã vi phạm nội qui coi thi khi bảo em “xem lại bài đi!”.Chỉ có vậy thôi.Tôi chưa dạy em lấy được nửa chữ để được gọi là “… bán tự vi sư”.Nhưng từ đấy X.A, học sinh mà tôi đã gợi ý nên xem lại bài, rất quý tôi và dù em đã dạy đại học nhưng vẫn gọi tôi là thầy với tất cả sự trân trọng.Anh X.A đã nghỉ hưu (hiện là cán bộ trường Đại học V. ở TP.HCM).

Một tối cuối tháng mười năm nay, có cú điện thoại từ TP.HCM ra Hà Nội cho tôi (tôi đang dạy ở ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội): “Thầy có nhớ em không? Em biết thầy từ năm 1959.Lúc đó em mới học cấp II. Thầy không dạy em nhưng năm 1959 khi thầy ở nhà Trương Tùng, em có đến gặp thầy… Thầy có nhớ tên em không?.Trong bộ nhớ của tôi thường đọng lại rất lâu tên những học sinh giỏi, kể cả nhưng em tôi không trực tiếp dạy.Tôi chỉ còn nhớ tên dăm ba em những năm đó. Gần 50 năm không gặp lại rồi, nhưng từ rất sâu thẳm tiềm thức tôi bật ra: “C.Đ.H. phải không?”. Đầu máy bên kia vang lên tiếng reo thích thú: “Ồ, Thầy nhớ ra em rồi!”.Anh C.Đ.H., một tiến sĩ khoa học đang làm chủ nhiệm khoa Đ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nhắc lại những kỷ niệm và nhất quyết đòi tôi khi trở lại TP.HCM thì nhận dạy môn tiếng Việt thực hành cho khoa anh. C.Đ.H. nhận ra tôi do tôi viết sách cho Nhà xuất bản Trẻ và vài bài viết cho Tuổi Trẻ, trong đó có “Muốn giỏi toán cần giỏi tiếng Việt!”.

Những ngày gian khó

Năm 1987, chuyển vào TP.HCM gần như với hai bàn tay trắng, để mưu sinh tôi phải đi dạy thêm về toán. Tôi tìm tới các trung tâm luyện thi. Chị Đàm Lê Đức, giám đốc của “lò” Lý Tự Trọng nổi tiếng, nhận ra tôi ngay. Chị quen tôi trong hội nghị bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ Giáo dục tổ chức ở Hưng Yên, năm 1962. Chị mời tôi luyện lớp “chuyên toán 7” và đi làm “gia sư” toán ở một số gia đình. Tới đâu tôi cũng giấu nhẹm cái lý lịch mình đang là tiến sĩ giảng dạy ngôn ngữ (tác giả bảo vệ luận án tiến sĩ tại Ba Lan năm 1970 ngành ngôn ngữ toán – PV) ở ĐH Tổng hợp. Sợ lúc đầu người ta không tín nhiệm một giáo viên ngành văn lại đi dạy toán. Mãi tới năm 1990 tôi mới thôi luyện thi về toán.

 

Bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ, ngày 17.11.2005, trang 10, mục “Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11”